Monday, October 25, 2010

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày Tờ trình ban hành Nghị quyết của Quốc hội


Chiều 25/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Thảo luận về Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Hầu hết, các ý kiến thảo luận đều nhất trí cao là cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

vu-van-ninh

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày Tờ trình về việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm thể chế hóa chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc tạo động lực tích lũy vốn, tăng đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26/NQ/TW ngày 5/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khuyến khích đầu tư, giảm nhẹ khó khăn, nâng cao đời sống nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, giữ vững an ninh lương thực quốc gia, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách tán thành việc tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp trong giai đoạn tiếp theo và đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về vấn đề này tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII.

Các ý kiến thống nhất cho rẳng để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích đầu tư, giảm nhẹ khó khăn, nâng cao đời sống nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, giữ vững an ninh lương thực quốc gia, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền… thì việc đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết này là cần thiết.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, trước mắt có thể tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, song về lâu dài, cần thiết phải thu thuế đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vì: Thứ nhất,về nguyên tắc, đã sử dụng tài nguyên đất đai thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước; Thứ hai,thực tế cho thấy, trong thực hiện chính sách miễn, giảm thuế, bên cạnh những kết quả tích cực cũng phát sinh tồn tại trong quản lý, sử dụng đất đai như sử dụng kém hiệu quả, bỏ hoang hóa đất tại một số địa phương; Thứ ba, cần hạn chế tối đa việc miễn, giảm thuế nhằm bảo đảm bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các đối tượng sử dụng đất đối với Nhà nước, bình đẳng giữa các lĩnh vực kinh tế và giữ được tính trung lập của chính sách thuế.

Một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị miễn toàn bộ (100%) số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp đối với mọi đối tượng sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích vì cho rằng, số thu từ thuế sử dụng đất nông nghiệp hiện nay không lớn (chỉ khoảng 84 tỷ đồng/năm), khó bù đắp chi phí hành thu. Việc miễn toàn bộ số thuế phải nộp sẽ tạo tâm lý đồng thuận trong nhân dân, góp phần khuyến khích nông dân yên tâm sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách “tam nông”.

Nhiều đại biểu thảo luận tại tổ đề nghị miễn toàn bộ (100%) số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp đối với mọi đối tượng sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích vì cho rằng việc miễn toàn bộ số thuế phải nộp sẽ tạo tâm lý đồng thuận trong nhân dân, góp phần khuyến khích nông dân yên tâm sản xuất.

Có ý kiến đề nghị, đối với đối tượng thuộc diện miễn thuế theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 1 của Dự thảo Nghị quyết (vừa thuộc diện miễn thuế đối với diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức, vừa thuộc diện miễn thuế đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp) thì quy định rõ là được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Đại biểu Trương Thị Xê (Đắk Lắk) nhất trí với quan điểm của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng về chính sách, chỉ miễn cho hộ gia đình, cá nhân là xã viên Hợp tác xã, nông trường viên, lâm trường viên, nên đề nghị bỏ quy định về miễn thuế cho đối tượng nhận đất giao khoán ổn định theo quy định của pháp luật của “doanh nghiệp” tại điểm b, điểm c khoản 3 Điều 1 của Dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) cho rằng an ninh lương thực quốc gia cần phải có chiến lược rõ hơn hiện nay. Quy hoạch nông nghiệp của nước ta là rất yếu, mặt khác tình hình sử dụng đất đai ở các nông trường là rất lãng phí. Đại biểu đề nghị, đối tượng được hưởng miễn, giảm cần rà soát để tránh tình trạng sử dụng sai mục đích mà vẫn được hưởng miễn giảm.

Về thời hạn miễn, giảm thuế, để tạo căn cứ pháp lý ổn định cho chính sách khuyến khích phát triển kinh tế nông nghiệp trong nhiều năm tiếp theo, động viên nông dân yên tâm sản xuất, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách tán thành thời hạn miễn, giảm là 10 năm (2011 – 2020).

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, thời hạn miễn, giảm 10 năm là tương đối dài; chỉ nên miễn, giảm cho giai đoạn 5 năm, sau đó tổng kết, sửa đổi toàn diện và ban hành một đạo luật chung về chính sách thuế đối với đất đai (đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp) để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đề nghị miễn, giảm thuế trong 5 năm (2011-2015) sau đó tổng kết để sửa đổi toàn diện Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp. Đại biểu Dương Kim Anh (Trà Vinh) đề xuất miễn, giảm thuế trong 10 năm (2011-2020).

Cũng trong chiều nay, các đại biểu thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo Tờ trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật nhằm góp phần bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và là ngày hội của toàn dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Kế thừa và phát huy những ưu điểm, những quy định vẫn còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn, khắc phục được những hạn chế, bất cập trong những quy định của 2 Luật trên nhằm bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật Việt Nam; Tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề vướng mắc thật sự cấp bách của các luật về bầu cử do tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu HĐND các cấp trong cùng một ngày và trong điều kiện thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại một số địa phương.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 2 Luật trên có cấu trúc nội dung của một Luật sửa đổi, bổ sung nhiều Luật với 4 điều, bao gồm Điều 1 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội; Điều 2 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Điều 3 quy định về việc đổi tên gọi các tổ chức phụ trách bầu cử; Điều 4 quy định về hiệu lực thi hành.

Khi thảo luận các đại biểu đều cho rằng để việc tổ chức thực hiện cuộc bầu cử chung Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) trong cùng một ngày có tính khả thi, bảo đảm thuận lợi, tiết kiệm cần phải có sự thống nhất về một số quy định giữa Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu HĐND.

Nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các vấn đề thật sự cấp bách nhằm tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện bầu cử chung đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trong cùng một ngày; không đặt vấn đề sửa đổi cơ bản Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tại các địa phương thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường nhiều ý kiến tán thành với Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường ở 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chính phủ đang tiến hành tổng kết việc thực hiện thí điểm và sẽ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, trình Quốc hội xem xét, quyết định về vấn đề này vào kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII.

Ngày mai, thứ ba, ngày 26-10-2010 Quốc hội làm việc ở hội trường. Buổi sáng, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viên chức. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm./.

Thanh Hoa


(Theo website Vũ Văn Ninh)

Wednesday, October 20, 2010

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh báo cáo về thực hiện dự toán Ngân sách Nhà nước


Ủy ban Tài chính – Ngân sách cơ bản thống nhất với đề nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu năm 2011 từ 730.000 đồng/tháng lên 830.000 đồng/tháng, thực hiện phụ cấp công vụ 10%, phụ cấp thâm niêm đối với nhà giáo.

VuVanNinh

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh (ảnh: Việt Hưng).

 

Đây là nội dung do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh báo cáo về tình hình thực hiện dự toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2010, dự toán NSNN và phương án bổ sung Ngân sách trung ương năm 2011. Theo đó, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng: Tốc độ tăng chi thường xuyên là quá cao (19%), nếu bao gồm cả chi cải cách tiền lương (27.000 tỷ đồng) thì tốc độ tăng chi thường xuyên còn cao hơn.
Do đó, đề nghị Chính phủ cơ cấu lại các khoản chi thường xuyên để giảm áp lực tăng chi NSNN rất lớn trong khi thu NSNN chỉ tăng 13,5%; bố trí tăng chi quản lý hành chính ở mức hợp lý… đồng thời nghiên cứu trình Quốc hội cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về quản lý tài chính và biên chế.
Đối với chi đầu tư phát triển, theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, nhu cầu đầu tư vốn phát triển của nền kinh tế là rất lớn và việc bố trí NSNN hiện nay cũng chỉ đáp ứng được một phần của nhu cầu đó.
Tuy nhiên, trong điều kiện NSNN còn có hạn, bội chi NSNN còn cao, dư nợ Chính phủ càng gần đến giới hạn an toàn thì số vốn NSNN dành cho chi đầu tư phát triển năm 2011 là một cố gắng rất lớn trong vố trí vốn đầu tư. Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương có các biện pháp tích cực để huy động vốn đầu tư thông qua các biện pháp xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức đầu tư và tích cực thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác, giảm dần tỷ trọng vốn đầu tư từ NSNN.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cơ cấu lại và có tính toán cụ thể về số chi đầu tư cho phù hợp, điều chỉnh ở mức hợp lý với khả năng của NSNN.
Đồng thời Chính phủ cần tổng kết, đánh giá lại các công trình, dự án sử dụng vốn NSNN một cách toàn diện; xem xét tính hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng; kiên quyết loại bỏ khỏi danh m,ục các công trình, dự án không đủ thủ tục đầu tư, kém hiệu quả, từ đó đề xuất danh mục dự án, công trình thực hiện trong năm 2011 và các năm tiếp theo theo hướng hiệu quả cao, tránh dàn trải, phân tán.
Về tình hình thu NSNN năm 2010, báo cáo của Chính phủ cho thấy tổng thu NSNN ước cả năm đạt 520.100 tỷ đồng, vượt 12,7% (tương đương 58.600 tỷ đồng) so với dự toán, với hầu hết các khoản thu đều hoàn thành vượt dự toán, kể cả thu phí xăng dầu nhiều năm không đạt dự toán.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận xét: Chính phủ đã đánh giá tình hình thu NSNN khá tích cực so với nhiều năm trước; tuy nhiên đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá sát thực số thu NSNN năm 2010 để làm căn cứ xây dựng dự toán năm 2011 – năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách.
Đây cũng là căn cứ để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường quản lý thu ngân sách, khai thác tốt nguồn thu, chống thất thu, tích cực đôn đốc thu những tháng cuối năm, hạn chế số thuế nợ đọng để số thu đạt kết quả tích cực hơn.
Phân tích các nguồn thu cho thấy, thu nội địa ước đạt 325.000 tỷ đồng, vượt 10,3% so với dự toán. Trong đó, thu từ khu vực kinh tế quốc doanh tăng 8,5% so dự toán, tăng 28,9% so với năm trước là nhân tố khá tích cực.
Còn số thu từ dầu thô ước thực hiện cả năm đạt 68.600 tỷ đồng, tăng 3,5% so với dự toán, với sản lượng thanh toán đạt 14,67 triệu tấn, giá bán bình quân ở mức 73 USD/thùng. Theo Ủy ban Tài chính – Ngân sách, số thu từ dầu thô phụ thuộc nhiều vào yếu tố giá cả thị trường thế giới, do đó nhất trí với Chính phủ về số ước thực hiện.
Về định hướng sử dụng số vượt thu của NSNN 58.600 tỷ đồng, trong đó ước ngân sách trung ương vượt thu 35.600 tỷ đồng, ngân sách địa phương vượt 23.000 tỷ đồng, Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng: Số bội chi NSNN nhiều năm gần đây khá lớn, trong khi số tăng thu chưa thực sự được ưu tiên để giảm bộ chi.
Vì vậy, số tăng thu năm 2010 là cơ hội tốt để xử lý các vấn đề tài chính, cần được ưu tiên sử dụng để tăng chi trả nợ và giảm bội chi. Đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị nên dành mức từ 6.000 đến 10.000 tỷ đồng để giảm bội chi NSNN năm 2010 nhằm giảm áp lực về tăng bội chi NSNN những năm sau.
Đồng thời Chính phủ sớm tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án phân bổ chi tiết số vượt thu Ngân sách trung ương năm 2010 trước khi thực hiện.
Nhóm PV

(Theo website Vũ Văn Ninh)