Saturday, December 19, 2009

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: “Cầm vốn nhà nước tâm trạng lắm!”


Ông VŨ VĂN NINH – bộ trưởng Bộ Tài chính, chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) – nói như vậy với Tuổi Trẻ trong cuộc trao đổi liên quan những vấn đề của SCIC vừa được Kiểm toán Nhà nước nêu ra. Ông Ninh nói:

VuVanNinh

"Nếu nói trách nhiệm thì tôi phải có trách nhiệm dù tôi chỉ kiêm nhiệm. Nhưng phải nói thật, đã kiêm nhiệm thì thời gian dành cho SCIC không thể đầy đủ được khi vừa đảm nhận công việc của Bộ Tài chính, vừa lo công việc của SCIC" Bộ trưởng VŨ VĂN NINH

Khi Chính phủ yêu cầu kiêm nhiệm, tôi đã phân cấp, quy định rõ cái gì HĐQT quyết, cái gì chủ tịch, phó chủ tịch quyết, đồng thời cho thành lập thường trực hội đồng để hội ý nhanh hơn, sớm hơn. Tôi trình xin Thủ tướng cho anh Trần Văn Tá làm phó chủ tịch HĐQT để anh ấy linh hoạt hơn trong quá trình chỉ đạo, vì tôi đã lường thấy mình không có nhiều thời gian ngồi bên đấy.

Tôi cũng bổ sung anh Hoàng Nguyên Học – phó tổng giám đốc SCIC – vào HĐQT để bên đấy thêm người trong quyết định những vấn đề hằng ngày. Nhưng SCIC thiếu nhiều cơ chế lắm, nhiều thứ phải trình lên Thủ tướng, không phải tôi quyết được. Hiện tôi đã cho họp hội đồng để bàn những giải pháp báo cáo Thủ tướng, cũng để giải trình những vấn đề của SCIC. Tinh thần cái gì đúng thì nhận, cái gì cần thì giải trình thêm. Bước tiếp theo sẽ họp xác định rõ sai cái gì, sai ở đâu, ai chịu trách nhiệm.

* Thưa ông, kết quả kiểm toán vừa qua cho thấy hoạt động của SCIC chưa hiệu quả?

- Theo tôi, bước đầu là có hiệu quả. Vốn nhà nước đã được tăng lên và cơ cấu lại. SCIC đã bắt đầu bán được một số doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, bình quân gấp hơn 2,3 lần mệnh giá, thấp nhất cũng 1,7 lần. Vốn nhà nước không mất, lợi nhuận trên vốn của các doanh nghiệp SCIC nhận về tăng. Như thế phải nói là có hiệu quả chứ.

* Nhưng số lãi không cao và vốn đem đầu tư vào Jetstar Pacific Airlines (JPA) bị lỗ?

- Nếu các anh đi sâu vào thì sẽ thông cảm. 87% doanh nghiệp SCIC nhận về là nhỏ, vốn dưới 10 tỉ đồng, trong đó có anh tốt, anh xấu, nợ nần. Đi sâu hơn thì có những doanh nghiệp nhỏ xíu, chỉ còn cái xác thôi. SCIC có muốn nhận đâu, nhưng nhiệm vụ nên phải nhận.

Chuyện JPA thì đúng, các anh nói có lý. Bản thân khi nó ra đời đã què quặt, ốm yếu rồi. Thành lập năm 1991, nhưng từ khi ra đời đến nay nhìn chung hãng này đều lỗ, đến năm 2005 đã lâm vào tình trạng phá sản. Đúng ra phải cho phá sản nhưng thời điểm ấy Chính phủ rất muốn giữ một hãng độc lập với Vietnam Airlines, nâng lên để cạnh tranh. Chính phủ giao Bộ Tài chính làm phương án cơ cấu lại JPA. Lúc đó ta bàn liên kết với Temasek (Singapore) không thành, nên đã bàn với Qantas và họ tham gia tối đa 30% vốn. Nhưng sau đó không lãi, cái dịch vụ mua trước xăng dầu là quả đấm “nốc ao” khiến nó càng lỗ nặng.

Tôi thừa nhận JPA lỗ mà trả lương (cho lãnh đạo) cao là sai rồi, không hợp lý. Tôi đã làm một số việc để xử lý, giờ đang phải xem rõ trách nhiệm.

* Đến nay, ông đánh giá thế nào về mô hình của SCIC?

- SCIC là mô hình rất mới nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Giai đoạn vừa rồi do SCIC mới ra đời, có thể coi là thí điểm, không thể đòi hỏi nó hoàn chỉnh ngay được. Tôi không đổ lỗi cho cơ chế. Nhưng sự thật có người bảo doanh nghiệp A đang lỗ, cần bán càng sớm càng tốt vì càng để lâu càng lỗ vốn. Nhưng đấu thầu giá cổ phiếu dưới giá trị thì có chấp nhận bán không? Đây là vấn đề quan điểm.

Tôi nói rất thật, người cầm vốn nhà nước đi bán dưới giá trị thì lo lắm, tâm trạng lắm. Bán xong mà giá trị thị trường của doanh nghiệp xuống thì người ta bảo ông này bán giỏi, nhưng bán xong nó lên thì lại bảo làm ăn dở. Cho nên không phải tôi thanh minh, nhưng thật sự rất khó khăn.

* Có chuyên gia cho rằng các chính khách tham gia vào HĐQT doanh nghiệp nhà nước sẽ lẫn lộn vai trò quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp, làm ảnh hưởng khi ra các quyết định liên quan đến doanh nghiệp đó?

- Tôi làm chưa thấy mắc vì luôn thấy vai gì là quản lý nhà nước, chỗ nào là quản lý doanh nghiệp. Khi xử lý vấn đề của doanh nghiệp ở vai quản lý nhà nước, bao giờ tôi cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn tham gia. Các thứ trưởng cũng phải ngồi nghe và đề xuất, tôi không bao giờ ký ngay. Tôi luôn phân biệt hai vai và hiện chưa bị nhầm lẫn cái này.

* Vừa qua, ông có ký quyết định giảm doanh thu năm 2008 của SCIC từ dự kiến ban đầu khoảng 1.800 tỉ đồng còn 1.300 tỉ, khiến SCIC có doanh thu vượt dự kiến 63%? Điều này đã khiến lương của SCIC cao hơn?

- Theo nguyên tắc, nhiều doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa xong được giao về SCIC quản. Ban đầu Vietcombank định giao về cho SCIC. Nhưng sau khi cổ phần hóa Thủ tướng lại không giao cho SCIC nữa. Trong khi đó, khi xây dựng kế hoạch năm 2008 chúng tôi có tính tới doanh thu từ Vietcombank, nhưng do Vietcombank không được chuyển về nên phải chỉnh lại. Tôi khẳng định việc điều chỉnh hoàn toàn vì lý do đó, tôi không có ý đồ gì về vấn đề lương cho SCIC trong chuyện này. Cái này có báo cáo HĐQT, có nghị quyết, không phải quyết định của cá nhân tôi.

* Theo ông, cần có những thay đổi gì để SCIC hoạt động hiệu quả hơn?

- Tôi đang chỉ đạo hoàn thiện điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC để trình Thủ tướng. Tôi cũng xác định phải xây dựng được cơ chế quản lý đầu tư vốn của Nhà nước vào các doanh nghiệp. Cái này tôi đã đề xuất rồi, trước mắt là nghị định, sau nữa phải nâng lên thành luật. Quốc hội cũng đã có nghị quyết giao cho Chính phủ nghiên cứu, xây dựng luật quản lý và kinh doanh vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp.

* Khi đó, có cần sự tham gia của các thành viên Chính phủ vào HĐQT các tổng công ty, tập đoàn nữa không?

- Bây giờ khẳng định khá khó. Tôi nghĩ làm sao phải ban hành đầy đủ cơ chế, mô hình phải rõ, sau đó sẽ tính đến chuyện này. Nhưng bản thân tôi kiêm nhiệm ở SCIC là khó khăn hơn trong công việc, nguyên chỉ thời gian thôi đã quá mệt. Nhưng vì trách nhiệm thì phải làm.

KHIẾT HƯNG – CẦM VĂN KÌNH thực hiện


(Theo website Vũ Văn Ninh)

Wednesday, November 11, 2009

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: “Sẽ xử lý DN làm ăn thua lỗ”


KTNT- Dù Chính phủ không gửi báo cáo về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tới Quốc hội nhưng trong phiên thảo luận chiều 9/11, hai vị Bộ trưởng Tài chính và Kế hoạch – Đầu tư đã lên tiếng xung quanh các vấn đề về tập đoàn. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đăng ký trả lời nhưng sẽ được dành thời gian tại phiên chất vấn sắp tới.

vuvanninh

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: "Sẽ xử lý DN làm ăn thua lỗ"

Những DNNN làm ăn lỗ như trong báo cáo đã nêu chủ yếu là lỗ tồn tại từ trước.

Ví dụ, Tổng Công ty xây dựng đường thủy có tới 7/8 đơn vị thành viên hạch toán độc lập chưa cổ phần hoá bị lỗ, làm mất toàn bộ vốn chủ sở hữu. Đây là lỗ đã có từ trước năm 2002 trở về trước. Từ việc mua 3 con tàu rồi hoạt động không hiệu quả, không trả được nợ nên lỗ…

Ngày 8/9/2004, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng về vấn đề này. Ngày 18/9/2004, Bộ đã có báo cáo Chính phủ. Tiếp theo đó, đến ngày 18/7/2007, Bộ cũng đã cảnh báo về con số lỗ và đề xuất phương án xử lý.

Nhưng nội bộ của Tổng Công ty này vô cùng phức tạp, kiện cáo rất nhiều, phải giao thanh tra nên xử lý hơi chậm.

Hiện nay, Thủ tướng đã có văn bản giao Bộ GTVT và Bộ Tài chính lập phương án để xử lý triệt để.

Sắp xếp đổi mới DNNN là cả một quá trình lâu dài, vừa tìm tòi mày mò, vừa triển khai làm thí điểm rồi đến lúc tổng kết để đưa ra chủ trương. Đó cũng là quá trình thống nhất về nhận thức.

Sáng nay như đại biểu Trần Du Lịch có nêu là trước kia chúng ta có 12.000 DN. Theo đánh giá từ trước năm 90 thì có trên 70% thua lỗ.

Nhưng đến giai đoạn 2001-2005, có tới 75% DN lãi. Và bây giờ, đại bộ phận DN làm ăn có lãi.

Cổ phần hóa DN là biện pháp quan trọng.

Về văn bản pháp lý, gần đây nhất, ta có Nghị định 109. Trong đó có nội dung quan trọng là xác định giá trị doanh nghiệp, bây giờ giá cả hình thành qua thị trường chứng khoán, trong đó đã tính giá của thương hiệu và đất đai.

Về vai trò, DNNN phải thực hiện nhiệm vụ kinh tế – chính trị Nhà nước giao. Qua hai năm, năm 2008 chống lạm phát, năm 2009 chống suy giảm kinh tế, chúng ta đã thấy rõ vai trò của DNNN.

EVN không được tăng giá điện và đến nay vẫn chưa bán đúng giá thị trường, còn bán bù lỗ, dưới giá.

EVN còn phải đầu tư cho nhiệm vụ Chính phủ giao, cho vùng sâu, vùng xa. Riêng việc đầu tư cho biển đảo, bình quân mỗi năm đã lỗ khoảng 100 tỷ đồng.

Than bán cho các hộ tiêu thụ lớn cũng bán dưới giá thành. Tổng Công ty Lương thực thì mua gạo giữ giá cho nông dân.

Tập đoàn xăng dầu cũng phải bán lỗ. DNNN đóng trên địa bàn Tây Nguyên thì phải nhận lao động ở địa phương, phải đào tạo những người chưa có tay nghề.

Nếu không phải DNNN, chắc không ai làm thế. Nếu không phải Tập đoàn Dầu khí, chắc không ai đầu tư cho nhà máy lọc dầu Dung Quất, đầu tư ra Biển Đông, hải đảo.

Trong thời kỳ khủng hoảng, không hề có tập đoàn nào sa thải công nhân.

Nếu ta tách được ra nhiệm vụ sản xuất bình thường và nhiệm vụ chính trị – xã hội để đánh giá ở khía cạnh chính trị – xã hội thì hay hơn, khách quan hơn.

Chúng tôi đã chỉ đạo tập đoàn tách các nhiệm vụ này ra nhưng bản thân các tập đoàn cũng không tách được.

Vấn đề thứ ba là khi ban hành cơ chế chính sách cũng có nhiều khó khăn về quan điểm.

Chẳng hạn, các DN từ chỗ khép kín đến lúc công khai trên thị trường chứng khoán là một bước tiến lớn…

Nhiều cơ chế chính sách hiện nay chưa đồng bộ, đó là điểm khó mà chúng tôi cần gỡ.

Tổng Công ty kinh doanh SCIC cũng cần có cơ chế đặc thù. Chúng ta chưa có cơ chế bán chỉ định. Như với DN lỗ, bán 3 lần mà chưa có ai mua. Như vậy có muốn bán nhanh cũng không được. Nếu bán dưới vốn sau này sẽ bị quy tội là làm thất thoát vốn nhà nước.

Sắp tới sẽ xây dựng Nghị định về đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, tiến đến sau này trình Quốc hội ban hành Luật đầu tư kinh doanh vốn nhà nước.

Nhiều cơ chế chính sách khác sẽ được hoàn thiện như Nghị định về quản lý tiền lương của DNNN,  hoàn thiện mô hình của Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước làm sao để đây là tổ chức tài chính đặc thù, đại diện chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước. Rồi phân công, phân cấp rõ ràng.

Hiện nay, Thủ tướng đang thay mặt Nhà nước bổ nhiệm nhân sự. Những DN đã chuyển giao cho SCIC thì SCIC đại diện sở hữu. Bộ Tài chính được phân công quản lý nhà nước về mặt tài chính.


(Theo website Vũ Văn Ninh)

Saturday, October 24, 2009

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: “Cân đối ngân sách hiện rất căng”.


Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội và các đại biểu dứt khoát yêu cầu giảm bội chi 2010 xuống không quá 6% GDP, nhưng Chính phủ vẫn bảo lưu đề nghị 6,5% vì cân đối ngân sách chưa thể trở lại bình thường sau cuộc suy thoái toàn cầu.

Phiên thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước 2009 và dự toán năm 2010 diễn ra hôm qua. Không nhiều ý kiến được đưa ra tại các tổ, song tất cả đều cho rằng Chính phủ cần chặt chẽ hơn trong việc thu chi ngân sách. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu ngân sách năm nay ước đạt 390.650 tỷ đồng, vượt 0,2% dự toán (tương đương vượt 750 tỷ đồng); trong khi chi ngân sách ước đạt 533.005 tỷ đồng, tăng 8,5% so với dự toán. Ước cả năm, bội chi ngân sách thực hiện là 115.900 tỷ đồng, bằng 6,9% GDP, tăng 28.600 tỷ đồng so với dự toán.

Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng việc Chính phủ ước bội chi bằng 6,9% GDP là chưa tích cực, khi tổng số thu không giảm như dự báo ban đầu (từ 40.000-60.000 tỷ đồng) mà vẫn vượt 750 tỷ đồng. Hơn nữa, Quốc hội đã ra yêu cầu giữ nguyên dự toán chi.

Đại biểu thảo luận ở tổ về tình hình ngân sách nhà nước. Ảnh: TTXVN

Ủy ban cũng không hài lòng với đề xuất chi tiêu ngân sách của năm 2010. Chính phủ đề nghị thu ngân sách năm tới đạt khoảng 456.400 tỷ đồng, tăng 16,8% so với ước thực hiện năm 2009. Với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến khoảng 6,5-7%, Chính phủ đề nghị mức bội chi bằng 6,5% GDP (tương đương 125.500 tỷ đồng), với mức dư nợ Chính phủ dự tính bằng 44,6% GDP.

Theo đánh giá của Ủy ban Tài chính Ngân sách, nếu để bội chi năm tới như đề xuất của Chính phủ, tính chung cả hai năm 2009-2010 số tiền bội chi sẽ lớn gần gấp đôi so với năm 2008. Đó là chưa kể tới nguồn chi từ vốn trái phiếu chính phủ hằng năm liên tục ở mức 50-60.000 tỷ đồng và một số khoản chi khác. Nếu tính gộp vào, bội chi thực tế còn cao hơn nhiều con số báo cáo Quốc hội. Hơn nữa, mức dư nợ Chính phủ hiện nay đã khá cao, chưa bao gồm khoản vay của địa phương và các khoản tạm ứng ngân sách luân chuyển qua các năm.

“Cần có kỷ luật ngân sách. Thu đã vượt và bội chi vẫn tăng cao. Tôi tán đồng ý kiến của Ủy ban Tài chính Ngân sách và Ủy ban Kinh tế Quốc hội phải giữ bội chi 2010 ở mức 6%”, đại biểu Trần Du Lịch – đoàn TP HCM, đề nghị. Theo phân tích của vị chuyên gia kinh tế này, năm 2009, tăng công chi nhưng chưa giải ngân tốt, nếu năm tới vẫn tiếp tục tăng chi một cách dễ dãi sẽ gây áp lực tới lạm phát và tạo rủi ro trong an ninh tài chính quốc gia.

vu-van-ninh

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: "Cân đối ngân sách hiện rất căng". Ảnh: TTXVN

Đại biểu Nguyễn Thanh Toàn – đoàn Thừa Thiên Huế, cũng chia sẻ mối lo này khi chỉ ra tình trạng nợ Chính phủ liên tục tăng cao, từ mức 36.000 tỷ đồng năm 2007 lên 44.000 tỷ đồng năm 2009 và có nguy cơ tiệm cận mốc 48.000 tỷ đồng vào năm tới. “Như vậy rất nguy hiểm, nguy cơ an ninh tài chính rình rập rất lớn. Đề nghị đại biểu Quốc hội suy nghĩ về vấn đề này, để Chính phủ đưa ra lộ trình giảm bội chi, giảm nợ và Quốc hội giám sát”, ông Toàn nói. Một nền tài chính được cho là an toàn khi dư nợ Chính phủ không vượt quá 50% GDP.

Ông đề nghị xem xét lại các khoản chi, trong đó có khoản chi cho các tập đoàn, theo nguyên tắc tập đoàn phải tự cân đối thu chi, không được lấy tiền từ ngân sách nữa. Đây là việc làm cần thiết trong bối cảnh Việt Nam còn thất thu nhiều.

Trong khi đó, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội chỉ ra sự bất hợp lý trong cân đối thu chi và băn khoăn về việc trong khi ngân sách trung ương bội chi gần 7.000 tỷ đồng thì ngân sách địa phương lại bội thu. Ông cũng đặc biệt quan tâm tới sự bất thường trong mục báo cáo các khoản chi khác của Chính phủ. Ước tính cả năm Chính phủ dùng khoảng 11.722 tỷ đồng từ ngân sách để chi cho các khoản ngoài đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Mức chi này tăng 1.790,6% so với dự toán 620 tỷ đồng đã được Quốc hội phê duyệt.

“Khoản này đã vượt nhiều so với dự toán của Quốc hội nên dứt khoát Chính phủ phải giải trình. Về nguyên tắc cứ khoản nào bội chi, vượt dự toán là phải công khai, báo cáo trước Quốc hội”, ông Hiển yêu cầu.

Buổi họp tổ của đoàn đại biểu Nam Định, Bình Dương, Long An, nơi có sự tham gia của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, đã kết thúc sớm sau khi người đứng đầu cơ quan được cho là kế toán trưởng của Chính phủ giãi bày về chuyện cân đối thu chi. Ông Ninh thừa nhận mức bội chi 6,5-6,9% là cao nếu xét tới dự toán ngân sách các năm trước, khi đó tỷ lệ không bao giờ vượt 5% GDP. Tuy nhiên, ông cho rằng tranh thủ bội chi để đầu tư phát triển là xu hướng phổ biến của các nước trên thế giới.

“Tôi đã từng nói với các nhà báo, cũng giống như trong gia đình, khi ta xây một cái nhà, nếu chờ đủ tiền thì không biết đến bao giờ, nên phải vay thêm để xây, sau đó làm ăn để trả. Nôm na hiểu việc sử dụng ngân sách nhà nước cũng vậy”, ông ví von.

Theo Bộ trưởng Tài chính, bội chi tăng, song nợ quốc gia vẫn đảm bảo an toàn. Thông thường, dư nợ chính phủ dưới 50% là an toàn, Việt Nam đang tiệm cận mốc này nhưng điều đó không có nghĩa là nguy hiểm, vì trong tất cả các khoản nợ của Chính phủ, không có khoản nào quá hạn, bất cứ khoản nào đến hạn Chính phủ đều trả nước. Ông dẫn chứng các nước trên thế giới có nơi vay nợ gần 100% GDP nhưng nền tài chính vẫn được cho là an toàn, trong khi có nơi chỉ 20-30% đã có nguy cơ cao bởi họ không đủ khả năng trả nợ.

Việc tăng bội chi của năm 2009, theo giải thích của ông Vũ Văn Ninh, là có những lý do riêng. Thu từ địa phương tổng thể là tăng, nhưng có nơi hụt nơi tăng, trong khi đó nơi tăng không thể điều chuyển về trung ương, còn nơi hụt trung ương lại phải dùng ngân sách bù cho đủ. Trong khi đó, các khoản thu quan trọng của trung ương như thu từ dầu thô và xuất khẩu lại không đạt kế hoạch. Nhằm mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, có nhiều chính sách mà dự toán đầu năm trình Quốc hội chưa tính tới, nhưng quá trình thực hiện Chính phủ phải báo cáo để bổ sung.

“Để giảm bớt căng thẳng ngân sách 2010, Chính phủ đã bàn nhiều và báo cáo xin Quốc hội cho bội chi của 2009 là 6,9% để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ 2009, nếu không chúng ta lại phải chuyển sang 2010″, ông nói.

Tình hình ngân sách 2010, theo ông Ninh vẫn hết sức căng thẳng, phần vì kinh tế chưa thể phục hồi sau khủng hoảng, phần vì Chính phủ phải tiếp tục các chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu. Các loại thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân nhìn chung đều thấp hơn trước. Nguồn thu từ dầu thô có dấu hiệu tiếp tục giảm. Sản lượng khai thác giảm dần qua các năm từ đỉnh cao 18 triệu tấn xuống còn 15 triệu tấn trong năm nay và hơn 14 triệu tấn vào năm sau. Theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mỗi năm Việt Nam phải cắt khoảng 1.000-1.700 dòng thuế. Riêng 2010, số thuế phải cắt giảm cho phù hợp với cam kết sẽ vào khoảng 3.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, áp lực về tăng chi ngân sách trong 2010 rất lớn. Kinh tế chưa lấy lại đà tăng trưởng như cũ, vì vậy vẫn phải duy trì công chi ở mức nhất định để đảm bảo an sinh xã hội đã ban hành. Vấn đề tăng lương cũng tạo thêm áp lực với ngân sách. Toàn bộ bội chi của năm 2010, khoảng 125.500 tỷ đồng sẽ dùng cho đầu tư phát triển. Toàn bộ phần thu ngân sách chỉ dùng để đảm bảo chi thường xuyên, an sinh xã hội và tiền lương.

Bộ trưởng Tài chính cho rằng nếu giảm bội chi xuống 6% như Ủy ban Tài chính đề xuất có nghĩa phải giảm chi khoảng 9.700 tỷ đồng. Để tăng thu không có cách nào khác là tăng thu từ địa phương. Nhưng địa phương đã tăng kịch trần, có nơi mấy chục phần trăm, họ kêu rất dữ rồi. Cách thứ hai để giảm bội chi là cắt giảm chi, cắt vào đầu tư hoặc cắt vào tiền lương, an sinh xã hội.

“Khi làm chính sách đặc biệt cho năm 2009 để khắc phục hậu quả suy giảm kinh tế, Chính phủ đã báo cáo sau khoảng 4-5 năm ngân sách mới trở lại bình thường. Bội chi mà các đồng chí nói phải giảm dần, thì phải sau 5 năm mới trở về bình thường. Năm 2009 chúng ta đã phải gồng mình lên để đáp ứng yêu cầu. Hậu quả của khủng hoảng phải mất vài năm mới trở về bình thường”, ông giãi bày.

Ông Ninh còn dẫn chiếu số liệu bội chi ở các nước phát triển để cho thấy Việt Nam đã nỗ lực để giữ vững cân đối tài chính. Theo công bố của IMF, trước khủng hoảng các nước trong khối G20 bình quân chỉ bội chi 1,1% nhưng sau khủng hoảng đã lên tới 8,1%.

“Chúng ta chỉ tăng từ 5 lên 6,9% thì mới thấy sự cố gắng vô cùng to lớn. Phục hồi kinh tế của chúng ta đi nhanh hơn nhiều. Người ta bỏ ra hàng trăm tỷ đôla, còn chúng ta chỉ chi thực tế từ ngân sách 1 tỷ đôla, cộng với tiền từ điều tiết thuế cũng chỉ 2-3 tỷ USD”, ông nói thêm.

Hồng Anh – Song Linh

 


(Theo website Vũ Văn Ninh)

Monday, February 2, 2009

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khai trương phiên giao dịch đầu xuân 2009 tại HaSTC


Sáng ngày 02/02/2009, TTCK Việt Nam mở cửa trở lại sau những ngày nghỉ Tết, đồng chí Vũ Văn Ninh, ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã tới thăm và khai trương phiên giao dịch đầu xuân tại TTGDCK Hà Nội.

Nhân dịp đầu Xuân Kỷ Sửu, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh chúc thị trường chứng khoán Việt Nam có bước phát triển mới vững chắc và mạnh mẽ trong năm mới, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Có thể nói, năm 2008 qua đi với nhiều khó khăn của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đã có những nhóm giải pháp đồng bộ và hiệu quả, các cấp uỷ đảng từ TW đến địa phương, các doanh nghiệp và toàn dân đã quyết tâm thực hiện và thu được những kết quả bước đầu: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội. Năm 2009 nền kinh tế được dự báo là tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ  sẽ thực hiện quyết liệt các giải pháp đồng bộ để nền kinh tế đất nước ổn định và phát triển.

vuvanninh

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh khai trương phiên giao dịch đầu xuân 2009 tại HaSTC (02-02-2009)

Bộ Tài chính, UBCKNN cam kết sẽ thực hiện các cơ chế chính sách,  tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư. Đặc biệt, TTGDCK Hà Nội mới đây đã được Chính phủ cho phép chuyển đổi thành SGDCK Hà Nội, đây là động thái góp phần củng cố cơ cấu thị trường trong thời gian tới. Bộ trưởng hoàn toàn tin tưởng vào sự nỗ lực, phần đấu và quyết tâm xây dựng thị trường của các đơn vị quản lý thị trường và các thành viên liên quan sẽ giúp thị trường hồi phục và phát triển trong những năm tới.

Với nhận định về tiềm năng to lớn của TTCK Việt Nam, Bộ trưởng kêu gọi các thành viên thị trường, các nhà đầu tư hãy nhìn dài hơn, xa hơn và đầu tư vào TTCK VN trong tương lai chắc chắn sẽ thu nhiều kết quả tốt đẹp.

Đúng 8h30 phút ngày 2/2/2008, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đã đánh cồng khai trương phiên giao dịch thứ 797 tại TTGDCK Hà Nội – phiên giao dịch đầu Xuân Kỷ Sửu trước sự chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCKNN và các thành viên thị trường, các công ty chứng khoán, công ty niêm yết, chúc thị trường chứng khoán một năm hoạt động hiệu quả và thành công.

Theo Hastc.org.vn


(Theo website Vũ Văn Ninh)