Thursday, May 29, 2008

Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008


Sáng 28-5, Quốc hội thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại hội trường bày tỏ quan tâm đến số vượt thu khá lớn so với dự toán.

Đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) nói: “Trong điều kiện có nhiều khó khăn như năm 2008 mà vượt thu đến 33% dự toán là quá giỏi, QH cần biểu dương. Nhưng biểu dương xong có lẽ phải nghĩ đến việc điều chỉnh dự toán thu thực tế hơn”. Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) phân tích, nguồn vượt thu từ dầu thô và đất đai không thể hiện sự phát triển bền vững và “đến một lúc nào đó sẽ không còn để mà thu”.

Vu-Van-Ninh

Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh phát biểu sáng nay. Ảnh: Minh Điền

Các đại biểu Trần Đình Long (Đắk Lắk), Phan Trung Lý (Nghệ An) đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Kiểm toán nhà nước trong việc xem xét, thẩm tra quyết toán thu – chi ngân sách.

Đại biểu Long nhận xét: “Kiểm toán nhà nước đã thực hiện kiểm toán thu – chi ngân sách của 1 số tỉnh thành, bộ ngành, nhưng còn chưa làm hết, chưa nói gì đến cấp huyện. Như vậy Quốc hội làm sao có đủ cơ sở để quyết định”.
Đại biểu Phan Trung Lý đề nghị cụ thể: “Kiểm toán Nhà nước không chỉ trình một báo cáo lên tới 100 trang với Quốc hội mà phải có những kết luận rõ ràng, cô đọng, thể hiện rõ đánh giá cuối cùng của mình. Công tác kiểm toán cũng cần được làm kỹ càng hơn, “phủ kín” các lĩnh vực, địa phương cần kiểm toán theo Luật Ngân sách nhà nước”.
Còn theo đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) thì còn nhiều tồn tại trong công tác lập, quyết định dự toán và thực hành thu – chi ngân sách đã được chỉ ra nhiều năm nay mà chưa có chuyển biến rõ rệt. “Trong khi ngân sách trung ương bội chi thì ngân sách địa phương lại kết dư. Cần sửa đổi quy định về điều chuyển vốn để tránh tình trạng này”, bà Loan đề xuất.
Làm sao để Quốc hội là cơ quan nắm quyền quyết định về ngân sách là vấn đề được đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) kiên trì theo đuổi từ nhiều kỳ họp Quốc hội. Đại biểu Lịch khẳng định: “Tôi sẽ biểu quyết thông qua quyết toán ngân sách năm 2008, vì thu đã thu rồi, chi cũng đã chi rồi. Nhưng với cách làm ngân sách hiện nay thì Quốc hội không thực sự kiểm soát được ngân sách. Việc quyết định bội chi không được vượt bao nhiêu % GDP không có ý nghĩa nhiều lắm và không thể cứ tăng thu là tăng chi. Lẽ ra Quốc hội phải quyết từng khoản chi một; cái nào đã được quyết mới được chi, như vậy mới thực sự là kiểm soát ngân sách”.
Giải trình với Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh công nhận, công tác dự báo vừa qua chưa chính xác. “Phần vượt thu do dự báo thiếu chính xác khoảng 60%”, Bộ trưởng cho biết. Về phần tăng thu do giá dầu thô tăng, Chính phủ đã xin ý kiến Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản cho phép chủ yếu sử dụng khoản này cho bù lỗ dầu. Các khoản tăng chi là đúng thẩm quyền và đúng Luật Ngân sách Nhà nước.
Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên yêu cầu các cơ quan liên quan cung cấp thêm một số báo cáo nhằm giải đáp rõ hơn các vấn đề được đại biểu Quốc hội đặt ra để Quốc hội có thêm cơ sở xem xét, thông qua quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2008 vào cuối kỳ họp này.

(Theo website Vũ Văn Ninh)