Saturday, December 19, 2009

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: “Cầm vốn nhà nước tâm trạng lắm!”


Ông VŨ VĂN NINH – bộ trưởng Bộ Tài chính, chủ tịch HĐQT Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) – nói như vậy với Tuổi Trẻ trong cuộc trao đổi liên quan những vấn đề của SCIC vừa được Kiểm toán Nhà nước nêu ra. Ông Ninh nói:

VuVanNinh

"Nếu nói trách nhiệm thì tôi phải có trách nhiệm dù tôi chỉ kiêm nhiệm. Nhưng phải nói thật, đã kiêm nhiệm thì thời gian dành cho SCIC không thể đầy đủ được khi vừa đảm nhận công việc của Bộ Tài chính, vừa lo công việc của SCIC" Bộ trưởng VŨ VĂN NINH

Khi Chính phủ yêu cầu kiêm nhiệm, tôi đã phân cấp, quy định rõ cái gì HĐQT quyết, cái gì chủ tịch, phó chủ tịch quyết, đồng thời cho thành lập thường trực hội đồng để hội ý nhanh hơn, sớm hơn. Tôi trình xin Thủ tướng cho anh Trần Văn Tá làm phó chủ tịch HĐQT để anh ấy linh hoạt hơn trong quá trình chỉ đạo, vì tôi đã lường thấy mình không có nhiều thời gian ngồi bên đấy.

Tôi cũng bổ sung anh Hoàng Nguyên Học – phó tổng giám đốc SCIC – vào HĐQT để bên đấy thêm người trong quyết định những vấn đề hằng ngày. Nhưng SCIC thiếu nhiều cơ chế lắm, nhiều thứ phải trình lên Thủ tướng, không phải tôi quyết được. Hiện tôi đã cho họp hội đồng để bàn những giải pháp báo cáo Thủ tướng, cũng để giải trình những vấn đề của SCIC. Tinh thần cái gì đúng thì nhận, cái gì cần thì giải trình thêm. Bước tiếp theo sẽ họp xác định rõ sai cái gì, sai ở đâu, ai chịu trách nhiệm.

* Thưa ông, kết quả kiểm toán vừa qua cho thấy hoạt động của SCIC chưa hiệu quả?

- Theo tôi, bước đầu là có hiệu quả. Vốn nhà nước đã được tăng lên và cơ cấu lại. SCIC đã bắt đầu bán được một số doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ, bình quân gấp hơn 2,3 lần mệnh giá, thấp nhất cũng 1,7 lần. Vốn nhà nước không mất, lợi nhuận trên vốn của các doanh nghiệp SCIC nhận về tăng. Như thế phải nói là có hiệu quả chứ.

* Nhưng số lãi không cao và vốn đem đầu tư vào Jetstar Pacific Airlines (JPA) bị lỗ?

- Nếu các anh đi sâu vào thì sẽ thông cảm. 87% doanh nghiệp SCIC nhận về là nhỏ, vốn dưới 10 tỉ đồng, trong đó có anh tốt, anh xấu, nợ nần. Đi sâu hơn thì có những doanh nghiệp nhỏ xíu, chỉ còn cái xác thôi. SCIC có muốn nhận đâu, nhưng nhiệm vụ nên phải nhận.

Chuyện JPA thì đúng, các anh nói có lý. Bản thân khi nó ra đời đã què quặt, ốm yếu rồi. Thành lập năm 1991, nhưng từ khi ra đời đến nay nhìn chung hãng này đều lỗ, đến năm 2005 đã lâm vào tình trạng phá sản. Đúng ra phải cho phá sản nhưng thời điểm ấy Chính phủ rất muốn giữ một hãng độc lập với Vietnam Airlines, nâng lên để cạnh tranh. Chính phủ giao Bộ Tài chính làm phương án cơ cấu lại JPA. Lúc đó ta bàn liên kết với Temasek (Singapore) không thành, nên đã bàn với Qantas và họ tham gia tối đa 30% vốn. Nhưng sau đó không lãi, cái dịch vụ mua trước xăng dầu là quả đấm “nốc ao” khiến nó càng lỗ nặng.

Tôi thừa nhận JPA lỗ mà trả lương (cho lãnh đạo) cao là sai rồi, không hợp lý. Tôi đã làm một số việc để xử lý, giờ đang phải xem rõ trách nhiệm.

* Đến nay, ông đánh giá thế nào về mô hình của SCIC?

- SCIC là mô hình rất mới nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Giai đoạn vừa rồi do SCIC mới ra đời, có thể coi là thí điểm, không thể đòi hỏi nó hoàn chỉnh ngay được. Tôi không đổ lỗi cho cơ chế. Nhưng sự thật có người bảo doanh nghiệp A đang lỗ, cần bán càng sớm càng tốt vì càng để lâu càng lỗ vốn. Nhưng đấu thầu giá cổ phiếu dưới giá trị thì có chấp nhận bán không? Đây là vấn đề quan điểm.

Tôi nói rất thật, người cầm vốn nhà nước đi bán dưới giá trị thì lo lắm, tâm trạng lắm. Bán xong mà giá trị thị trường của doanh nghiệp xuống thì người ta bảo ông này bán giỏi, nhưng bán xong nó lên thì lại bảo làm ăn dở. Cho nên không phải tôi thanh minh, nhưng thật sự rất khó khăn.

* Có chuyên gia cho rằng các chính khách tham gia vào HĐQT doanh nghiệp nhà nước sẽ lẫn lộn vai trò quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp, làm ảnh hưởng khi ra các quyết định liên quan đến doanh nghiệp đó?

- Tôi làm chưa thấy mắc vì luôn thấy vai gì là quản lý nhà nước, chỗ nào là quản lý doanh nghiệp. Khi xử lý vấn đề của doanh nghiệp ở vai quản lý nhà nước, bao giờ tôi cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn tham gia. Các thứ trưởng cũng phải ngồi nghe và đề xuất, tôi không bao giờ ký ngay. Tôi luôn phân biệt hai vai và hiện chưa bị nhầm lẫn cái này.

* Vừa qua, ông có ký quyết định giảm doanh thu năm 2008 của SCIC từ dự kiến ban đầu khoảng 1.800 tỉ đồng còn 1.300 tỉ, khiến SCIC có doanh thu vượt dự kiến 63%? Điều này đã khiến lương của SCIC cao hơn?

- Theo nguyên tắc, nhiều doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa xong được giao về SCIC quản. Ban đầu Vietcombank định giao về cho SCIC. Nhưng sau khi cổ phần hóa Thủ tướng lại không giao cho SCIC nữa. Trong khi đó, khi xây dựng kế hoạch năm 2008 chúng tôi có tính tới doanh thu từ Vietcombank, nhưng do Vietcombank không được chuyển về nên phải chỉnh lại. Tôi khẳng định việc điều chỉnh hoàn toàn vì lý do đó, tôi không có ý đồ gì về vấn đề lương cho SCIC trong chuyện này. Cái này có báo cáo HĐQT, có nghị quyết, không phải quyết định của cá nhân tôi.

* Theo ông, cần có những thay đổi gì để SCIC hoạt động hiệu quả hơn?

- Tôi đang chỉ đạo hoàn thiện điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC để trình Thủ tướng. Tôi cũng xác định phải xây dựng được cơ chế quản lý đầu tư vốn của Nhà nước vào các doanh nghiệp. Cái này tôi đã đề xuất rồi, trước mắt là nghị định, sau nữa phải nâng lên thành luật. Quốc hội cũng đã có nghị quyết giao cho Chính phủ nghiên cứu, xây dựng luật quản lý và kinh doanh vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp.

* Khi đó, có cần sự tham gia của các thành viên Chính phủ vào HĐQT các tổng công ty, tập đoàn nữa không?

- Bây giờ khẳng định khá khó. Tôi nghĩ làm sao phải ban hành đầy đủ cơ chế, mô hình phải rõ, sau đó sẽ tính đến chuyện này. Nhưng bản thân tôi kiêm nhiệm ở SCIC là khó khăn hơn trong công việc, nguyên chỉ thời gian thôi đã quá mệt. Nhưng vì trách nhiệm thì phải làm.

KHIẾT HƯNG – CẦM VĂN KÌNH thực hiện


(Theo website Vũ Văn Ninh)