Ngày 20/8, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học để lắng nghe ý kiến, đề xuất về điều hành kinh tế – xã hội thời gian tới.
Dự cuộc làm việc có các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Văn Ninhvà lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ.
Vẫn phải tập trung vào kiềm chế lạm phát
Trao đổi về tình hình hiện nay của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…, các chuyên gia, nhà khoa học đều nhận định rằng tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp theo xu hướng xấu đi. Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2011 đạt 3,2%, thấp hơn năm 2010 và năm 2012 cũng chỉ phục hồi nhẹ.
Về tình hình trong nước, các đại biểu cũng đều cho rằng, sau gần 6 tháng thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP (ngày 24/2/2011), chúng ta đạt được kết quả tích cực bước đầu.
Đó là tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2011 đạt 5,6%. Xuất khẩu tăng nhanh, tổng kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu tăng thấp hơn so với xuất khẩu và có xu hướng giảm trong tháng 6, 7. Lạm phát có xu hướng giảm.
Nông nghiệp được mùa được giá, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống xã hội. Doanh thu bán lẻ, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng.
Tuy nhiên, các chuyên gia, nhà khoa học cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm yếu của nền kinh tế, bất cập trong chỉ đạo, điều hành.
Cụ thể, lạm phát có xu hướng giảm những vẫn ở mức cao, do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Việc cắt giảm đầu tư công chưa mạnh mẽ, chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Lãi suất ở mức cao, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Áp lực đối với tỷ giá có nguy cơ tăng cao vào cuối năm do dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng, cùng với áp lực từ thâm hụt thương mại và lạm phát.
Các ý kiến đều thống nhất cần tái khẳng định mạnh mẽ thông điệp của Nghị quyết 11 là tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo kinh tế vĩ mô.
Các chuyên gia, nhà khoa học cũng cho rằng cần rà soát lại tất các cả các biện pháp hành chính hiện đang thực hiện trong các lĩnh vực tài chính, tiền tệ, ngân hàng, kiên quyết loại bỏ những biện pháp hành chính không cần thiết, không phù hợp.
Tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ, đồng thời có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp – nông thôn. Bên cạnh đó, cần kiểm soát hoạt động của ngân hàng thương mại, đề phòng nguy cơ nợ xấu tăng cao, đe dọa tính an toàn của hệ thống tài chính – ngân hàng.
Từ nay đến cuối năm và trong năm 2012, Chính phủ nên tăng cường các biện pháp khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu để giảm nhập siêu; thực hiện cắt giảm đầu tư công một cách quyết liệt bởi đây là giải pháp có thể thực hiện được ngay, đem lại tác động tích cực đến mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Các chuyên gia kinh tế cũng đề nghị, nghiên cứu, theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình thế giới và trong nước để ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Trong dài hạn, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đặt mục tiêu phát triển ổn định lên hàng đầu.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, trân trọng ghi nhận những ý kiến, đề xuất thẳng thắn, trách nhiệm, sâu sắc, tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học.
Thực hiện Nghị quyết 11 quyết liệt, hiệu quả hơn
Người đứng đầu Chính phủ đồng tình với những ý kiến chung của các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời khẳng định Chính phủ kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội đã đề ra trong Nghị quyết 11. Trong thời gian tới, cần thực hiện Nghị quyết này quyết liệt hơn, hiệu quả hơn.
“Tinh thần ưu tiên là kiềm chế lạm phát”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chăm lo an sinh xã hội.
“Đồng thời phải tính tới các bước đi cơ bản lâu dài là tái cấu trúc nền kinh tế ”, Thủ tướng nói. “Trước hết là phải bắt tay làm ngay việc tái cấu trúc đầu tư công, gắn với kiểm soát nợ công, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mạnh mẽ hơn (như đẩy nhanh cổ phần hóa), tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, tái cấu trúc thể chế gồm quy hoạch, việc phân cấp- phân quyền cũng như tái cấu trúc thị trường…”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các Bộ, ngành cần làm tốt hơn nữa công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, lắng nghe ý kiến tư vấn của các chuyên gia, các nhà khoa học để tìm ra những kế sách, cách làm hay.
Các cơ quan thông tin đại chúng cần thông tin rộng rãi, công khai minh bạch những thuận lợi cũng như khó khăn của nền kinh tế , từ đó, tạo sự chia sẻ, đồng thuận trong việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết 11 đề ra với niềm tin rằng chúng ta nhất định vượt qua khó khăn, phát triển bền vững và mạnh mẽ./.
(Theo website Vũ Văn Ninh)
No comments:
Post a Comment