Tại buổi làm việc với Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, sáng 29/8, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lưu ý Ủy ban cần tăng cường, làm tốt hơn chức năng tham mưu, dự báo và giám sát tài chính quốc gia.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia được thành lập theo Quyết định số 34/2008/QĐ-TTg ngày 3/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ, với chức năng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc điều phối hoạt động giám sát tài chính quốc gia (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm), giúp Thủ tướng thực hiện giám sát chung thị trường tài chính quốc gia.
Ủy ban bước đầu đã xây dựng được hệ thống chỉ tiêu về an toàn hệ thống tài chính dựa trên các chuẩn mực quốc tế, trên cơ sở đó, tiến hành giám sát và lập các báo cáo giám sát vĩ mô thị trường tài chính Việt Nam; báo cáo giám sát các tập đoàn tài chính (định kỳ 6 tháng, 1 năm).
Nội dung các báo cáo do Ủy ban xây dựng đã tập trung phân tích, đánh giá thị trường tài chính trong nước và thế giới, cũng như đánh giá tác động đối với thị trường trong nước; dự báo, cảnh báo nguy cơ rủi ro có thể xảy ra đối với thị trường tài chính quốc gia và các tập đoàn tài chính lớn, đồng thời kiến nghị các giải pháp xử lý kịp thời, góp phần ổn định thị trường tài chính.
Song song với việc giám sát thị trường tài chính, Uỷ ban đã tiến hành đánh giá, phân tích kinh tế vĩ mô để tham mưu, tư vấn chính sách cho Thủ tướng chính phủ.
Báo cáo của Uỷ ban tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho rằng, nhiệm vụ điều phối hoạt động giám sát là hết sức quan trọng trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang thực hiện theo mô hình thanh tra – giám sát chuyên ngành. Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra giám sát ở lĩnh vực ngân hàng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thanh tra giám sát ở lĩnh vực chứng khoán, Cục Giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính thanh tra giám sát lĩnh vực bảo hiểm. Trên cơ sở đó, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia kiến nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu lộ trình thành lập cơ quan tư vấn điều phối hoạt động giám sát để thống nhất trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
Tăng cường công tác tham mưu, dự báo
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ghi nhận những nỗ lực của tập thể Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia trong việc khắc phục nhiều khó khăn ban đầu để hoàn thành một khối lượng công việc lớn, đạt chất lượng khá tốt, bước đầu tham mưu hiệu quả cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, đối với một cơ quan có chức năng chính là tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong điều phối hoạt động giám sát tài chính quốc gia, thông tin đầu vào là vô cùng quan trọng. Chính từ thông tin đầu vào cập nhật, chính xác, Uỷ ban mới có thể xử lý để đưa ra những ý kiến tư vấn, những cảnh báo rủi ro một cách chính xác và kịp thời.
“Thông tin trong nước chính là từ các Bộ, ngành. Do vậy cần có quy chế để phối hợp thông tin một cách chủ động, thực chất, mang tính “bắt buộc”, bởi chỉ có như vậy thì chất lượng phân tích, dự báo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia mới đạt chất lượng”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Trước đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ mô hình phù hợp nhất với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng cho rằng, để khẳng định vị trí và tiếng nói của một cơ quan giám sát tài chính quốc gia, quan trọng nhất vẫn là kết quả hoạt động, cụ thể là chất lượng của những báo cáo, đánh giá, kiến nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng lưu ý Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cần tăng cường thêm công tác nghiên cứu, dự báo tình hình trong nước và quốc tế, từ đó đưa ra những ý kiến tham mưu, tư vấn có chất lượng cao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Xuân Tuyến
(Theo website Vũ Văn Ninh)