Chiều 21-7, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội khóa XII Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2009. Báo cáo thẩm tra chỉ rõ: quyết toán NSNN năm 2009 có những tiến bộ so với những năm trước đây, đã thực hiện khoá sổ, lập báo cáo quyết toán ngân sách năm cơ bản đúng thời hạn; công tác hạch toán kế toán, quyết toán NSNN của các bộ, ngành và địa phương phản ánh sát thực về tình hình tài chính, NSNN…
Dư nợ Chính phủ nằm trong giới hạn an toàn
Năm 2009, khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động trực tiếp đến nền kinh tế nước ta, làm cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu giảm sút, ảnh hưởng lớn đến việc làm và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ chuyển hướng mục tiêu điều hành năm 2009 từ chống lạm phát sang chống suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội. Chính phủ đã tập trung thực hiện các nhóm giải pháp nhằm kích thích phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm; nâng cao hiệu quả đầu tư; thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu; mở rộng thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân. Nhờ thực hiện kịp thời, quyết liệt các giải pháp nêu trên, cùng với sự đồng thuận và quan tâm thực hiện của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong cả nước, nền kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 5,32% (Nghị quyết của Quốc hội đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,5% xuống 5%); chặn đà suy giảm xuất khẩu; nhiệm vụ thu, chi NSNN đạt kết quả quan trọng.
Trong phần trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2009, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nêu rõ: Dự toán thu NSNN 389.900 tỷ đồng, quyết toán 454.786 tỷ đồng; tăng 16,6% (64.886 tỷ đồng) so với dự toán. Trong đó: thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 17.429 tỷ đồng, thu từ nhà đất tăng 19.138 tỷ đồng, thu viện trợ không hoàn lại tăng 2.908 tỷ đồng, phạt vi phạm hành chính tăng 3.268 tỷ đồng; thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước tăng 4,1% (16.096 tỷ đồng) so với dự toán.
Dự toán chi NSNN 491.300 tỷ đồng, quyết toán 561.273 tỷ đồng, tăng 14,2% (69.973 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu tăng chi đầu tư phát triển (tăng 68.563 tỷ đồng) để chống suy giảm kinh tế. Tăng chi được sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách, nguồn tăng bội chi NSNN và nguồn tăng thu NSNN.
Tại Nghị quyết số 32/2009/QH12 ngày 19/6/2009, Quốc hội cho phép mức bội chi NSNN dưới 7% GDP. Tại kỳ họp thứ năm (tháng 5, tháng 6 năm 2010), Chính phủ đã có báo cáo số 13/BC-CP ngày 16-10-2009 trình Quốc hội cho phép điều hành bôi chi NSNN ở mức 115.900 tỷ đồng, bằng 6,9% GDP. Quyết toán bội chi là 114.442 tỷ đồng, bằng 6,9% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép. Số tăng bội chi được sử dụng để thu hồi số vốn đã ứng cho gói kích cầu theo đúng ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Về bù đắp: vay trong nước 78.150 tỷ dồng; vay ngoài nước 36.292 tỷ đồng. Với kết quả thực hiện dự toán thu, chi, bội chi như vậy, tính đến 31-12-2009, dư nợ Chính phủ (bao gồm cả nợ công trái giáo dục và trái phiếu Chính phủ) bằng 42% GDP, dư nợ ngoài nước của quốc gia bằng 39% GDP, trong giới hạn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Vẫn còn những tồn tại
Mặc dù đánh giá tốt về Quyết toán NSNN năm 2009, Nhưng Uỷ ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại.
Dự toán năm 2009 được xây dựng trong điều kiện tình hình kinh tế-xã hội trong và ngoài nước biến động khó lường, do vậy, việc dự báo để xây dựng dự toán sát thực tế là khó khăn. Tuy nhiên, kết quả thực hiện NSNN có khoảng cách chên lệch khá lớn. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan của năm 2009, sự nỗ lực phấn đấu tăng thu của các cấp chính quyền địa phương thì chất lượng công tác dự báo và xây dựng dự toán còn hạn chế, ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành NSNN trong phát triển kinh tế-xã hội.
Trong công tác quản lý thu, việc kiểm tra, thanh tra thuế còn chưa được thực sự tăng cường. Ở một số địa phương số vụ thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm có xu thế giảm. Trong khi đó lại thiếu công cụ kiểm soát đối với các tổ chức và cá nhân nên thất thu về thuế còn khá lớn.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội khóa XII Phùng Quốc Hiển cũng chỉ rõ: Việc chấp hành các quy định về chi NSNN ở một số bộ, ngành và địa phương, đơn vị còn chưa tốt. Nhiều khoản chi tăng đột biến, một số khoản chi không đạt dự toán ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu kinh tế-xã hội.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, ở một số bộ, ngành, địa phương còn tình trạng sử dụng ngân sách cho vay sai quy định, tạm ứng lớn, có số dư nợ phải thu lớn, kéo dài, quản lý nợ thiếu chặt chẽ, nhiều khoản tạm ứng khó thu hồi.
Xuân Dũng
(Theo website Vũ Văn Ninh)
No comments:
Post a Comment