Sunday, February 6, 2011

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: 2011 sẽ ‘thả’ giá theo thị trường


Người đứng đầu Bộ Tài chính cho hay, năm 2011 cơ quan này sẽ thực hiện nhiều biện pháp để kìm giá cả, tránh hiện tượng tăng đột biến, đồng thời tiến tới mục tiêu trả nhiều nhóm mặt hàng cho thị trường điều tiết.

Trước thềm năm mới với ngổn ngang những mối lo, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh vẫn dành cho VnExpress.net buổi trò chuyện về những kỳ vọng và thách thức mà ngành tài chính sẽ phải đối mặt trong tài khóa 2011.

 

vu-van-Ninh

Người đứng đầu ngành tài chính - Bộ trưởng Vũ Văn Ninh.

- Thưa Bộ trưởng, năm 2011, trọng tâm của ngành tài chính sẽ tập trung vào các vấn đề, lĩnh vực gì?

- Năm 2011, nhiệm vụ của chúng tôi là tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; tăng cường công tác quản lý thu, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về thuế; phấn đấu tăng thu ngân sách trên 5% so với dự toán. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách; kiên quyết loại trừ các khoản chi tiêu không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật; cắt giảm các khoản chi không thực sự cần thiết, chưa thật cấp bách như hội họp, đi công tác nước ngoài… Trên cơ sở phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, phấn đấu giảm bội chi ngân sách nhà nước góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, cần phải điều hành quản lý giá trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường vào thời điểm thích hợp đối với giá cả một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá như: điện, than, đất đai, tài nguyên quan trọng… hoàn thiện về mặt cơ chế, chính sách nhằm từng bước thực hiện cơ chế giá dịch vụ trong lĩnh vực y tế, giáo dục…

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm nữa mà chúng tôi đặt ra trong năm 2011 là đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, các khoản vay, ứng chi của các cơ quan, đơn vị Nhà nước.

- Nhiều ý kiến lo ngại về lạm phát năm 2011 sẽ rất cao. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?

- Năm 2011, theo nhiều dự báo, kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng tốc độ tăng chậm hơn năm 2010. Kinh tế tăng trưởng, nhu cầu nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ sản xuất vẫn tăng dẫn đến giá cả sẽ nhích lên. Bên cạnh đó, thương mại toàn cầu tiếp tục tăng trưởng khoảng 7% (nhưng vẫn thấp so với mức tăng 11,4% của năm 2010). Vì vậy giá cả thị trường vẫn có xu hướng tăng tuy tốc độ tăng có thể thấp hơn tốc độ tăng của năm 2010.

Trong nước, nền kinh tế phục hồi khá nhanh và lấy lại đà tăng trưởng sau ảnh hưởng của khủng hoảng (mục tiêu tổng sản phẩm trong nước tăng 7-7,5% so với năm 2010). Như vậy, nhu cầu nguyên, nhiên, vật liệu để phục vụ sản xuất kinh doanh cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, những tồn tại vốn có của nền kinh tế chưa khắc phục được triệt để ngay như: cơ cấu kinh tế, chất lượng tăng trưởng, nhập siêu, cán cân thanh toán, bội chi cao, hiệu quả sử dụng vốn, kết cấu hạ tầng… tiềm ẩn những yếu tố gây lạm phát. Thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động xấu đến nền kinh tế, nhất là sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân.

Trước những khó khăn của nền kinh tế thế giới và kinh tế trong nước như trên, để thực hiện mục tiêu kiểm soát “Chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%” mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra, Bộ Tài chính kiến nghị 6 biện pháp cụ thể. Trong số đó có việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh đầu tư, xuất khẩu, đảm bảo tăng trưởng… và đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa không để thiếu hàng; quy hoạch hệ thống cung ứng hàng hóa nhất là một số sản phẩm chủ yếu theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất các biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa, phấn đấu tăng thu, giảm bội chi ngân sách, huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với lãi suất hợp lý. Đồng thời, chúng tôi cũng thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan đã cam kết với WTO, rà soát và bãi bỏ các khoản phí bất hợp lý. Đối với mặt hàng xăng dầu, chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng quỹ bình ổn, công cụ phí, thuế để kiểm soát giá.

- Vậy năm 2011, Bộ Tài chính sẽ sử dụng các biện pháp gì để kiểm soát thị trường giá cả để tránh nguy cơ “bung” khi hầu hết các mặt hàng thiết yếu bị kìm quá lâu?

- Chúng tôi đã bàn tới rất nhiều biện pháp, trong đó có việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giá theo hướng thị trường. Nghĩa là, giá cả sẽ do thị trường điều tiết. Chúng tôi tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, thông qua việc xây dựng Luật giá thay cho Pháp lệnh giá. Đồng thời, chúng tôi cũng sửa đổi và bổ sung các Nghị định của Chính phủ về thẩm định giá; xử lý vi phạm trong lĩnh vực giá, cơ chế xác định giá trong các lĩnh vực cụ thể…

Ngoài ra, chúng tôi cũng chủ động thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, giá cả trong và ngoài nước. Triển khai và thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Pháp lệnh giá. Một trong những công việc của năm 2011 là phải chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước vào thời điểm thích hợp trong năm đối với giá cả một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá như điện, than, nước sạch, đất đai, tài nguyên quan trọng, các loại giá dịch vụ… Tuy nhiên, lộ trình giá thị trường phải được gắn kết chặt chẽ với hoàn thiện hệ thống cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

- Liệu có xảy ra hiện tượng giá xăng dầu bị kìm quá lâu, trong khi doanh nghiệp bị lỗ nặng sẽ dẫn hiện tượng khi tăng thì giá sẽ đột biến, thưa ông?

- Để kiềm chế lạm phát trong năm 2010, Nhà nước đã sử dụng các công cụ tài chính nhằm thực hiện bình ổn giá (không phải là ổn định giá) một số vật tư đầu vào cơ bản của nền kinh tế (điện, than bán cho sản xuất điện, xăng dầu…). Vì vậy, trong năm 2010 giá một số vật tư nói trên về cơ bản là không biến động nhiều.

Chủ trương thực hiện kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước là chủ trương nhất quán. Giá các hàng hóa, dịch vụ cần thực hiện cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tuy nhiên, để hạn chế tác động bất lợi tới nền kinh tế và đời sống người dân thì cần phải có bước đi, lộ trình và thời điểm thích hợp, không để tăng đột biến.

Đồng thời các ngành, các cấp cần chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp bình ổn giá thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa và có chính sách hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách; tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý giá.

Hồng Anh


(Theo website Vũ Văn Ninh)